Mới đây, bộ phim ngắn BAO của tác giả Domee Shi vừa "ẵm nóng" giải Oscar lần thứ 91 cho hạng mục phim hoạt hình ngắn. Bộ phim lấy hình ảnh của chiếc bánh bao để gửi gắm thông điệp về tình cảm gia đình, dùng phép ẩn dụ để nói về những mặt rất đặc thù của văn hoá Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung.
Trong phim, người phụ nữ đã xem chiếc bánh bao mình làm ra như con, thế nhưng khi chiếc bánh lớn lên và vượt ra ngoài tầm kiểm soát của người mẹ thì bà đã ăn nó. Nhiều khán giả đã không hiểu được sự liên quan giữa chiếc bánh bao - một món ăn phổ biến các nước châu Á cùng với mối quan hệ mẹ - con nói chung và tình cảm gia đình nói riêng, nhưng nếu điểm qua những điều sau về ý nghĩa của chiếc bánh bao trong ẩm thực và văn hoá châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng thì bạn sẽ hiểu ngay:
Bánh bao là gì?
Bánh bao là loại bánh có vỏ làm bằng bột mì, có nhân bên trong và được làm chín bằng cách hấp lên. Bánh bao có nhiều loại nhưng loại được xuất hiện trong phim ngắn BAO là loại bánh bao phổ biến nhất có thể tìm thấy ở hầu hết các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam... Đó là chiếc bánh bao nhân thịt, được làm từ thịt heo bằm, hành, rau củ và các loại gia vị. Chiếc bánh này là một điều quá quen thuộc trong ẩm thực châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng. Nhìn chiếc lồng hấp bánh bao được mở ra ở đầu phim, đa phần những đứa trẻ châu Á đều sẽ tìm thấy cảm giác thân thuộc.
Bánh bao trong ẩm thực Trung Quốc
Trong ẩm thực Trung Quốc, bánh bao hay các loại bánh có vỏ và bọc nhân ngoài nói chung đều thường tượng trưng cho những điều tốt lành, mà cụ thể là các ý nghĩa tương tự như "đầy đặn", "giàu có", "đủ đầy"... Ví dụ như bánh trôi nước (thang viên) hay còn gọi là bánh đoàn viên, hay các loại sủi cảo, há cảo, bánh chẻo thường được ăn vào Tết cổ truyền để mang lại may mắn, sức khoẻ và những điều tốt đẹp.
Bánh bao trong văn hoá Trung Quốc
Nhiều người cảm thấy khó hiểu vì sao lại dùng hình ảnh bánh bao để ẩn dụ cho người con, mà lại không phải là loại bánh nào khác, hay món ăn nào khác. Điều này cũng dễ hiểu với những bạn quen thuộc với văn hoá Trung Hoa. Trong tiếng Trung, bánh bao còn được gọi là "bao tử (baozi)", từ này cũng được dùng để chỉ em bé, trẻ con, bào thai. Tác giả Domee Shi vốn là người Trung Quốc có quốc tịch Canada nên chẳng khó hiểu khi cô chọn hình ảnh chiếc bánh bao - một món ăn thơm ngon để ẩn dụ hình ảnh người con.
Trong văn hoá châu Á, ăn uống và tình cảm gia đình có mối quan hệ mật thiết
Không chỉ người Trung Quốc, mà rất nhiều những đứa trẻ châu Á sau khi xem xong bộ phim ngắn này đã rất cảm động, trái ngược lại với nhiều người bạn phương Tây hãy còn đang bối rối chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nguyên do cũng không phải bởi vì hiểu được hết ý nghĩa đằng sau chiếc bánh bao, mà là do hình ảnh lặp đi lặp lại của mâm cơm gia đình. Bộ phim bắt đầu với cảnh ăn sáng bên chiếc bàn ăn gia đình, sau đó lại xuất hiện xuyên suốt bộ phim trong nhiều cảnh sinh hoạt chung. Hình ảnh này xuất hiện mãi cho đến lúc kết thúc bộ phim. Đây là một hình ảnh "biết nói" với nhiều đứa trẻ châu Á, bởi vì có một sự thật là chẳng nơi đâu quan trọng việc mọi người ttrong gia đình ăn cơm cùng nhau như các nước phương Đông.
Bộ phim mở đầu và kết thúc bên bàn ăn gia đình.
Mâm cơm gia đình lớn lên với những đứa trẻ, là nơi chúng học những bài học giao tiếp đầu đời, như tổ tiên người Việt ta nói thì là "học ăn, học nói, học gói, học mở". Rất nhiều quan điểm nhân sinh từ lớn lao đến bé nhỏ đều được hình thành quanh mâm cơm này. Một mâm cơm có thể bao gồm nhiều thế hệ từ ông bà, cha mẹ đến con cháu. Đây là đặc điểm mà các nước phương Tây không có được, cũng là lý do vì sao mà bộ phim này được đánh giá cao và đạt giải Oscar. Bởi vì nó đã thành công thể hiện được đặc tính văn hoá và các giá trị gia đình lớn lao của rất nhiều người, khơi gợi sự đồng cảm cũng như thể hiện được tình cảm gia đình qua một món ăn tưởng chừng như rất bình thường.
Nhận xét
Đăng nhận xét