Nói về sự "u mê" ẩm thực Việt của người Hàn thì một series dài như Cô dâu 8 tuổi cũng chưa đủ. Hết thi nhau mở Youtube review đồ ăn Việt, khoe ảnh món ăn trên Instagram tới đưa đồ ăn Việt lên truyền hình thực tế, ngày nay, người dân xứ kim chi còn nghĩ ra nhiều cách tái tạo hoặc "Hàn hóa" các món ăn Việt Nam, giúp chúng hợp khẩu vị và được lan truyền rộng rãi hơn.
Từ đầu mùa hè 2019, hãng gà nướng Oven Maru ở Hàn đã tập trung quảng bá món ăn mới của hãng: Gà nướng vị bún chả Hà Nội. Theo mô tả, món ăn được "gợi cảm hứng từ đặc sản số một ở Hà Nội", bao gồm: Gà nướng lò, bún tươi, nước mắm chua ngọt, rau sống và một chén sốt đặc biệt để chan lên gà, nhằm tạo hương vị đặc trưng ở chả/thịt nướng than trong công thức gốc.
Một "mâm" gà nướng vị bún chả tiêu chuẩn của hãng, có giá 2000 won (khoảng 40.000 đồng).
Khi ăn, bạn chấm gà vào nước sốt và nước mắm, dùng chung với bún, rau sống y như đang ăn bún chả thôi! Khác biệt duy nhất là phần chả và thịt nướng than được thay bằng gà nướng lò của hãng. Đi kèm mâm gà này sẽ là các món ăn vặt đậm hương vị đường phố Việt như: mực nướng, lạc rang...
Về cơ bản, đây là một biến tấu khá thú vị và thông minh. Kết hợp bún chả với gà – món ăn quốc dân của người Hàn - đây đúng là bữa ăn trong mơ của cả Đại Hàn dân quốc, đồng thời quảng bá bún chả Hà Nội dễ dàng, sâu rộng hơn. Cộng với trình bày đẹp mắt, món gà này phần nào làm hài lòng cả cư dân mạng Hàn lẫn Việt:
Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến cho rằng, việc "Hàn hóa" món Việt nên có chừng mực. Tại một fanpage cho các bạn trẻ đam mê văn hóa Hàn, Kpop, phim ảnh, hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Khi món Việt được "xuất khẩu lao động", hàng loạt câu hỏi lại nổ ra: Vị bún chả Hà Nội mà không có chả thì ổn không? Món Việt có đang đánh mất bản sắc khi xuất khẩu ra nước ngoài không? Liệu chúng ta có đang "mất bản quyền" với chính món ăn của mình không?
"Kiểu học lỏm mùi vị riêng của người ta xong về cho ra món của mình. Không thích lắm".
"Tớ thì chỉ mong Việt Nam làm văn hoá tuyên truyền cho tốt, Hàn Quốc nhờ cái show "2 Days 1 Night" là tuyên truyền văn hoá lịch sử, món ăn lên 40% đó. Mảng này họ tốt thực sự. Nên là nếu bị Hàn hoá sao chép thành công là Việt Nam thiệt to".
Ở một khía cạnh khác, việc ẩm thực Việt Nam được người nước ngoài say mê, ngưỡng mộ và học tập theo vẫn luôn là một điểm đáng tự hào. Nhiều bạn trẻ chỉ ra điểm sáng của những sự kết hợp như thế này:
"Cũng giống như Việt Nam mình Việt hoá các món ăn của các nước khác thôi. Đôi khi như vậy làm người ta tò mò vị nguyên thuỷ của bún chả nữa ý. Mình thì thấy okay ko có vấn đề gì".
"Kể cả món này có hot bên hàn đi chăng nữa thì cái thương hiệu bún chả vẫn là của Việt Nam mà, như phở ấy, chế kiểu gì cũng được nhưng nhắc đến phở là auto của Việt Nam á. […] Tớ thấy người Hàn mang hương vị món Việt vào món ăn của họ chứng tỏ ẩm thực Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định trên bản đồ thế giới. Ngày càng nhiều người mê đồ Việt Nam".
Trong thời đại thế giới phẳng, khi những ranh giới bị xóa nhòa và hòa tan nhường chỗ cho hòa hợp, linh hoạt là điều kiện tất yếu để phát triển. Linh hoạt thế nào lại càng quan trọng hơn. Ẩm thực Việt ngày càng lan rộng và biến hóa là sự thật. Nhưng tại quê hương mình, nó luôn sở hữu một bản sắc độc đáo cũng là sự thật.
Đĩa gà nướng vị bún chả của người Hàn dường như nhắc nhở chúng ta về ý thức quảng bá văn hóa dân tộc: Món ăn Việt ngày càng thiên biến vạn hóa, đi đâu cũng có thể thưởng thức, vậy đâu là lí do khiến người nước ngoài lặn lộn tới Việt Nam để ăn? Chính là tính truyền thống, đúng chuẩn và hương vị nguyên thủy chúng ta đã gìn giữ hàng trăm năm, không phải chiến lược quảng bá hay hình thức nào khác.
Nguồn: Naver, K Crush Động
Nhận xét
Đăng nhận xét